Sản xuất Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng

Bối cảnh thực hiện

"Xuất thân tầng lớp lao động nên em luôn có sự đồng cảm bản năng với tầng lớp chịu thiệt thòi trong xã hội. Em bị cuốn hút bởi những khuôn mặt ưu tư thầm kín, mong muốn sẻ chia thế giới đong đầy cảm xúc. Trong phim có cảnh trai làng đốt phá gánh hát. Đó là sự sợ hãi, tổn thương đối với các nhân vật và cũng là nỗi sợ hãi, tổn thương của chính em. Khi quay hình ảnh đoàn tàu chạy ngang qua, chị Phụng nằm đong đưa trên võng hát bài hát buồn, đám lửa cháy, những túi nilông bay bay trên hậu cảnh đường phố thưa thớt xe để làm cảnh kết, em đã rưng rưng cảm giác tàn lụi..."

—Nguyễn Thị Thắm giải thích về niềm cảm hứng ở bộ phim dài đầu tay này.[6]

Sau khi tốt nghiệp tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007 và tham gia khóa học điện ảnh trực tiếp của Hiệp hội Điện ảnh Varan,[10][lower-alpha 2] Nguyễn Thị Thắm đã thực hiện nhiều bộ phim tài liệu ngắn như Chào con chào baby (2005), Ông và cháu (2006)[11] và tác phẩm nhận bằng khen của Liên hoan phim Việt Nam 2013, Xe ôm (2011).[12][13] Nguyễn Thị Thắm bắt đầu dựng ý tưởng thực hiện dự án phim dài đầu tay của mình một cách tình cờ,[14] lấy cảm hứng từ những lần "đi xem các đoàn hội chợ về chỗ tôi biểu diễn" và nhận thức về lúc "mọi người nói pê-đê đấy, tôi chỉ biết họ là những người nam ăn mặc giống nữ".[15][16] Cô chia sẻ "Nhiều người hỏi tôi vì sao chọn người đồng tính để làm phim. Tôi không hề có chủ đích chọn người đồng tính để làm phim... Thực ra, cái thu hút tôi đầu tiên để tôi chọn dự án là ở tính phiêu lưu của đoàn hát nay đây mai đó, không biết trước tương lai... Thứ hai, là cá nhân tôi luôn thích tầng lớp lao động, thích sự từng trải về thời gian trên gương mặt họ - luôn tạo cho tôi cảm xúc".[14][16]

Ghi hình

Để bắt tay thực hiện phim, Nguyễn Thị Thắm phải bỏ một thời gian tìm kiếm thông tin về các đoàn hội chợ, khi chúng không còn nhìn thấy ở các thành phố nữa.[17][lower-alpha 3] Trong một lần công tác ở Nha Trang, cô tìm được thông tin về một đoàn hội chợ đang biểu diễn ở một huyện gần đó,[17] trước khi ngỏ ý hợp tác với đoàn của Phụng tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận vào tháng 8 năm 2009.[19] Nguyễn Thị Thắm xem đây là cái duyên vì "với tất cả các bộ phim mình đã thực hiện, trong quá trình khảo sát nhân vật cho chủ đề, nhân vật đầu tiên mình gặp bao giờ cũng trở thành nhân vật trong phim. Chị Phụng và đoàn hội chợ do chị quản lý cũng vậy".[17] Ban đầu cả đoàn giữ khoảng cách với Nguyễn Thị Thắm do nghĩ cô là một nhà báo chuyên viết bài về mặt tiêu cực của đời sống các đoàn lô-tô cũng như người chuyển giới, dần dần họ mới cởi mở và kết thân với cô.[20][21] Từ đó, cô gia nhập đoàn hát của Phụng và ghi hình liên tục theo thể loại điện ảnh trực tiếp.[14][17] Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7 năm 2014, Nguyễn Thị Thắm chia sẻ việc ghi hình của phim như "là trải nghiệm một cuộc sống hoàn toàn khác. Nó hấp dẫn mình, cuốn mình đi. Còn với các nhân vật, mình cố gắng hòa vào với môi trường sống của họ. Những phân đoạn quan trọng trong phim đều là những phân đoạn mình đã có sự gắn bó nhất định, đã ăn chung, ngủ chung… với các chị ấy. Đêm lắng nghe họ nói chuyện, nghe những câu chuyện riêng tư của họ rồi mình và họ thấy gần gũi hơn. Những phân đoạn quan trọng khi quay mình đều có cảm giác đang không cầm máy quay, chiếc máy quay biến mất".[17]

Phim trải qua thời gian 5 năm để hoàn thiện,[22] trong đó có tổng cộng 13 tháng ghi hình.[17] Máy móc và thiết bị sử dụng vay mượn từ Hiệp hội Varan, cùng kinh phí của Nguyễn Thị Thắm, nguồn tài trợ từ một kênh truyền hình của Đức và Pháp,[23] và nhiều cô bạn đoàn hát.[14] Trong khi vừa thu hình vừa đạo diễn, phần thu thanh được các bạn của cô giúp đỡ.[14] Với 4 tháng đầu tiên ghi hình, Nguyễn Thị Thắm tập trung quan sát, chủ yếu ít phân đoạn quan trọng.[17] Sau đó, cô đem bản nháp về nộp cho Hiệp hội Varan để chứng thực và nhận hỗ trợ chi phí từ họ.[14] Cô tiếp tục có thêm 7 tháng ghi hình nữa, với nhiều tình huống kịch tính và thú vị chính xuất hiện trên phim,[14][17] trước khi chính thức đóng máy vào tháng 10 năm 2010.[14]

Sản xuất hậu kỳ

Trong suốt gần một năm kể từ ngày đóng máy, Nguyễn Thị Thắm đến khắp nơi kêu gọi đầu tư kinh phí, trong đó có một số quỹ liên quan đến cộng đồng người đồng tính của Việt Nam, nhưng không thành.[14][24] Lúc tìm kiếm nhà đầu tư từ các quỹ từ Pháp và châu Âu, cô gặp nhà dựng phim người Pháp Aurelie Ricard vào tháng 7 năm 2013, cũng là giáo viên giảng dạy tại Hiệp hội Varan và đồng nghiệp Phạm Thị Hảo,[23] những người đã giúp đỡ cho cô trong việc dựng phim mà không lấy công.[14] Cô tạo hình cho phim trong vòng 5 tháng, giản lược từ đoạn phim thô dài 70 tiếng xuống thành 4 tiếng.[14] Trong phần dựng phim cuối cùng, Nguyễn Thị Thắm buộc phải cắt xuống còn 80 phút,[17] điều mà cô mô tả "là một sự hy sinh đau đớn", khi phải bỏ đi "hai tuyến nhân vật cũng rất cảm động" để "mỗi phân đoạn không quá ngắn không quá dài, đủ giữ khán giả chìm đắm mà không bị xao nhãng khỏi câu chuyện".[17] Ở bản sau cùng của phim, Nguyễn Thị Thắm muốn "tập trung câu chuyện vào chị Phụng từ vai trò thủ lĩnh răn đe đàn em, tổ chức công việc, ngoại giao địa phương… đến đời sống tâm linh, tình cảm, mơ ước riêng tư…"[17]

Vào đầu tháng 2 năm 2014, cô đến Pháp để thực hiện phần sản xuất hậu kỳ cho phim, với sự hỗ trợ của Ina—một công ty làm hậu kỳ phim lớn ở Pháp.[14] Sản xuất chính cho phim là Sylvie Blum, người hỗ trợ phối âm thanh, chỉnh màu, ra băng đĩa và hoàn thành phim.[14] Cũng trong thời gian dựng phim tại Pháp, Nguyễn Thị Thắm biết tin Phụng và Mỹ Hằng đã qua đời vì căn bệnh AIDS vào khoảng tháng 5 năm 2011,[18] tức chỉ 7 tháng sau khi Nguyễn Thị Thắm đóng máy,[18] khi cả hai không được chẩn đoán kịp thời.[23] Đoàn hát sau đó được giao lại cho một thanh niên trẻ nhưng chỉ một tháng thì tan rã.[23] Phim hoàn thành vào ngày 14 tháng 3 năm 2014, hai tuần trước khi tham dự và công chiếu lần đầu tại Liên hoan Điện ảnh Hiện thực Paris.[14] Vào ngày 15 tháng 4, có thông tin phim đã được hệ thống thư viện Pháp mua lại.[25]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng http://www.allmovie.com/movie/madam-phungs-last-jo... http://www.chicagoreader.com/chicago/madam-phungs-... http://www.doisongphapluat.com/giai-tri/phim/1800-... http://www.filmjournal.com/reviews/film-review-mad... http://www.hollywoodreporter.com/review/madam-phun... http://icarusfilms.com/press/pdfs/mme_pk.pdf http://www.metacritic.com/movie/madam-phungs-last-... http://www.nytimes.com/2015/11/12/movies/review-ma... http://www.rottentomatoes.com/m/madam_phungs_last_... http://www.slantmagazine.com/film/review/madam-phu...